Tuổi mãn kinh gặp rắc rối khi mắc các bệnh phụ khoa

154

Buồng trứng ở tuổi mãn kinh của phụ nữ ngừng hoạt động dẫn đến sự thiếu hụt nội tiết tố nữ estrogen. Đây là yếu tố thuận lợi cho các mầm bệnh tấn công và gây bệnh phụ khoa.

Nguyên nhân mắc bệnh phụ khoa khi mãn kinh

Thời kỳ mãn kinh là giai đoạn mất chức năng sinh lý hoặc kết thúc chu kỳ kinh nguyệt (vô kinh) do giảm chức năng buồng trứng. Nội tiết tố nữ suy giảm một cách tự nhiên, buồng trứng sẽ bắt đầu sản xuất ít Estrogen và Progesterone hơn, đồng thời khả năng sinh sản cũng giảm sút và mất hẳn.

Do sự sụt giảm hoạt động sản sinh nội tiết tố của buồng trứng, môi trường âm đạo trở nên khô và trung tính, thiếu đi các chất dịch và axit lactic có tác dụng bao bọc và diệt khuẩn. Vì vậy vi khuẩn, nấm và tạp trùng dễ dàng tấn công âm hộ, âm đạo gây viêm nhiễm. Tình trạng viêm nhiễm mạn tính lâu ngày sẽ là nguy cơ cao dẫn đến ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng.

Khi nội tiết tố trong cơ thể bị mất cân bằng do căng thẳng, kinh nguyệt mất hoàn toàn… cũng sẽ khiến chị em mắc bệnh.

Quan hệ tình dục không an toàn, không có các biện pháp phòng tránh với người bị viêm nhiễm phụ khoa có thể khiến bạn mắc bệnh. Ngoài ra khi thực hiện các thủ thuật ở vùng kín, nếu bạn làm ở những địa chỉ không đảm bảo, sử dụng dụng cụ kém vệ sinh tác động tới cơ quan sinh dục nữ cũng là nguyên nhân.

Các bệnh viêm nhiễm phụ khoa hay gặp ở phụ nữ mãn kinh

Ngứa âm hộ, âm đạo

Ngứa là một biểu hiện thường gặp trong các bệnh vùng kín như viêm âm đạo, ung thư âm hộ nhưng cũng có thể chẳng vì nguyên nhân nào. Vì thế, khi có dấu hiệu ngứa, phụ nữ cần đi khám để có hướng điều trị phù hợp.

Hiện tượng vùng kín bị ngứa có thể xuất phát từ việc thay đổi hormone trong cơ thể, lúc này sẽ không gây hại đến sức khỏe của người phụ nữ.

Biện pháp phòng ngừa cơ bản là cần chú ý chăm sóc, vệ sinh vùng kín sạch sẽ thường xuyên, triệu chứng ngứa ngáy sẽ tự thuyên giảm và biến mất. Trong trường hợp âm đạo bị ngứa do bệnh phụ khoa hoặc viêm nhiễm sinh dục, nếu không được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời có thể gây nhiều nguy hiểm.

Vi khuẩn, virus hoặc nấm có thể lây lan từ vùng viêm nhiễm sang các cơ quan, bộ phận khác, tiến triển thành các bệnh nguy hiểm như viêm nội mạc tử cung, viêm tắc vòi trứng… đe dọa sức khỏe và khả năng sinh sản của người phụ nữ.

Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung có liên quan đến quá trình viêm nhiễm kéo dài được gây ra bởi loại virus nhóm papilloma có tên gọi là Human Papilloma Virus (HPV). Virus này đã gây ra những biến đổi ở mức độ tế bào và gây ra 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Nguy cơ ung thư cổ tử cung cũng gia tăng ở các trường hợp sinh đẻ nhiều, quan hệ tình dục sớm và không an toàn, viêm nhiễm cổ tử cung kéo dài…

Ung thư nội mạc tử cung: Là ung thư xảy ra ở lớp lót bên trong của tử cung. Dấu hiệu thường thấy là chảy máu âm đạo bất thường, đặc biệt là những chảy máu âm đạo ở những phụ nữ đã mãn kinh. Hầu hết các ung thư này đều chữa trị thành công nếu phát hiện sớm. Bệnh thường gặp ở phụ nữ béo phì, có bệnh tăng huyết áp, tiểu đường hoặc có tiền căn vô sinh, rối loạn kinh nguyệt.

Ung thư tử cung: Bệnh thường gặp ở phụ nữ tuổi 50-60, hiếm gặp ở phụ nữ không sinh hoạt tình dục. Nguyên nhân gây bệnh chưa thật rõ ràng, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh liên quan đến những kích thích từ bên ngoài như sinh hoạt tình dục sớm, sinh nở nhiều lần, nạo phá thai nhiều, nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục.

U xơ tử cung

Bước vào độ tuổi mãn kinh, do suy giảm hormone trong cơ thể nên các triệu chứng u xơ tử cung thường xuất hiện như:

  • Có hiện tượng ra máu âm đạo giữa kỳ kinh.
  • Vùng chậu bị đau và chịu áp lực.
  • Thường xuyên tiểu tiện, táo bón.
  • Đau ở phần lưng dưới.
  • Luôn cảm thấy bụng bị đầy, chướng…

Đại đa số các trường hợp bị u xơ tử cung lành tính, không có khả năng phát triển khối u ác tính và thường diễn tiến chậm. U xơ tử cung nếu phát hiện muộn thì việc điều trị khó khăn và có thể gây các biến chứng nguy hiểm như:

Rong kinh, rong huyết kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu máu cấp tính hoặc mãn tính gây ra các vấn đề như sút cân, hụt hơi và choáng váng khi lao động gắng sức.

Khối u xơ tử cung to có thể chèn ép các cơ quan xung quanh gây các bệnh lý nguy hiểm như: Chèn ép niệu quản, bàng quang, gây ứ nước bể thận dẫn đến tình trạng giãn đài bể thận niệu quản, sỏi tiết niệu, viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm đài bể thận…

Lời khuyên của bác sĩ

Viêm nhiễm phụ khoa cần phải được thăm khám sớm và có các biện pháp phòng bệnh để tránh những biến chứng nguy hiểm, đó là:

Vệ sinh vùng kín đúng, an toàn. Sử dụng nước ấm để rửa vùng kín và lau bằng khăn mềm ít nhất 2-3 lần/ ngày, khăn mềm có thể làm giảm mồ hôi tích tụ và do đó loại bỏ mùi khó chịu. Tránh sử dụng các dụng cụ thụt rửa, thuốc xịt âm đạo, nước hoa và xà phòng để vệ sinh bên trong âm đạo.

Sử dụng quần lót phù hợp: Tránh mặc đồ lót được làm từ chất liệu như lụa, ren, da.. Thay đồ lót và vệ sinh vùng kín sau khi đi bộ hoặc tập thể dục.

Khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng để đảm bảo vùng kín luôn khỏe mạnh, thơm tho.